Mẹ tôi du học nhiều năm tại nước Đức, cả thời thanh xuân ở trời Âu. Chính vì vậy mà tôi đã lớn lên trong những câu chuyện mẹ kể về chuyến tàu lửa từ Hà Nội sang Berlin, về mùa đông tuyết trắng, về mùa hè đi làm thêm trong vườn được hái trái cây ăn miễn phí…
Nước Đức chan chứa trong ký ức của mẹ chính là chuyện cổ tích dỗ giấc ngủ tôi hàng đêm. Có lẽ một phần vì vậy mà trong mắt tôi nước Đức đặc sắc hơn những vùng đất khác ở châu Âu một chút.
Những chuyện phân ly, tan hợp, chiến tranh, hoà bình và phát triển đã góp tay nhào nặn nên nước Đức đặc sắc như bây giờ. Cứ ghé thăm một vùng đất của Đức sẽ có một ấn tượng khác, đôi khi khó nghĩ rằng các thành phố này là anh chị em cùng mẹ.

1- Thành phố Frankfurt Am Main (Frankfurt trên dòng sông Main) vì sao diễn ra khá nhiều biểu tình?
Một lần, tôi chứng kiến cảnh người dân ăn dầm nằm dề bên ngoài các toà ngân hàng lớn để thể hiện quan điểm về nạn thất nghiệp và các vấn đề môi trường.
Một lần khác, ở phi trường Frankfurt, tôi chứng kiến cảnh người dân sống quanh sân bay biểu tình khắp các sảnh cùng chiêng trống, loa kèn để đòi hãng hàng không Lufthansa không cho cất cánh và hạ cánh từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Nguyên do: tiếng ồn máy bay khiến họ không ngủ được.
Frankfurt “hút” biểu tình như vậy vì thành phố này là đại gia giàu có và quyền lực của Đức. Không chỉ là cửa ngõ hàng không của Đức với sân bay quốc tế lớn nhất, đặt tổng hành dinh hãng máy bay quốc gia Lufthansa; Frankfurt còn là trung tâm tài chính quan trọng của châu Âu, là nơi tổ chức triển lãm ô tô lớn nhất thế giới Frankfurt Motor Show và triển lãm sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair.
Rất dễ gặp trên đường phố Frankfurt vào giờ tan tầm là những phụ nữ ăn vận sang trọng sải bước hiên ngang trên hè phố, hay những người đàn ông dáng chuẩn mặc vét đắt tiền đạp xe ra từ một toà công sở nào đó (vừa di chuyển vừa thể thao giữ dáng, lại hiền lành với môi trường).

2- Giữa quảng trường Romerberg ở Frankfurt là dãy nhà Ostzeile, gồm sáu căn nhà gỗ, đặc trưng cho kiến trúc vùng Bavaria.
Chúng nâu nâu trắng trắng, vuông vức như mấy chiếc bánh quy nhúng chocolate. Mỗi căn nhà đều có tên riêng, lần lượt là Chốn Thiên Thần, Quái Vật Sư Tử Đầu Chim Vàng, Người Hoang Dã, Dachsberg Nhỏ, Laubenberg Lớn và Laubenberg Nhỏ.
Những căn nhà gốc của thế kỷ 15, 16 đã bị bom phá từ thế chiến thứ hai, dãy nhà này là được xây lại vào năm 1981 để bảo tồn văn hoá và phục vụ du lịch.
Gần dãy nhà này là vòi phun nước Công lý, tượng đứng giữa là Nữ thần Công lý Justitia cầm cán cân công lý. Chỉ khác lạ một điểm: Nữ thần này không bị bịp mắt như đúng nguyên bản.
3- Tôi thích nhất là ngắm Frankfurt khi đứng trên chiếc cầu bắc ngang dòng sông Main.
Mua cây kem dừa ngon tuyệt trong một quầy kem ở Romerberg, rồi đi bộ lên cầu đứng vừa mút kem vừa ngắm hai mặt đối lập của thành phố. Nhìn bên trái là một toà cao ốc ốp kính sang cả và chói mắt. Nhìn bên phải là một chóp nhà thờ màu nâu sậm cổ kính.
Thành Frankfurt cũ mới song hành. Trên thảm cỏ ở hai bên bờ sông, tầm 3-4 giờ chiều là nam thanh nữ tú ra ngồi đầy và bắt đầu uống bia trong nắng hè, tận hưởng thời thanh xuân nhàn nhã.
Nhìn cảnh vật chán, tôi đi dọc chiếc cầu và đọc những cái tên khắc trên muôn vàn ổ khoá tình yêu treo trĩu nặng hai thành cầu. Có đôi tình nhân nào đó còn bắc thang treo khoá lên tận xà ngang phía trên cầu, cao cũng phải hơn 5 met. Thật đúng là vì tình yêu mà cố gắng triệt để.

4- Hoà mình vào dòng chảy cuộc sống ở đại lộ Kurfurstendamm để thấy mình là một phần của Berlin hiện đại.
Đại lộ Kurfurstendamm được mệnh danh là đại lộ ánh sáng của Berlin, dọc đường là vô số những cửa hiệu mua sắm, nhà hàng, quán cà phê.
Có một chiều chủ nhật giữa mùa hè, tôi tính đi mua sắm ở Kurfurstendamm thì kế hoạch phá sản, vì tất cả các cửa hiệu đều đóng cửa. Tôi đành vào quán cà phê ở một góc phố Kurfurstendamm tìm vui trong việc ngắm lá cây xào xạc, ngắm những chiếc xe bon bon.
Ở những đô thị châu Âu giàu có thì cửa hàng cũng nghỉ cuối tuần cho nhân viên có thời gian riêng. Không như ở châu Á, việc mua sắm có thể là 24/7; người châu Âu luôn ưu tiên có những thời gian dành cho riêng bản thân, cho gia đình để cân bằng tâm lý.
5- Ghé thăm Nhà thờ lớn Berliner Dom ở Berlin, sau khi trầm trồ trước nội thất kiến trúc xa hoa và cầu kỳ thì nhất định nên leo thang bộ lên nóc nhà thờ.
Ở đó, có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn của thành phố Berlin, nhất là khu phố cổ. Điều đặc biệt là trên gác mái của Berliner Dom, người ta nuôi ong.
Khi tôi đến thì đang có hai tổ ong lớn ở đó. Đây nằm trong chiến dịch “Bee Berlin” kêu gọi nhận thức về việc bảo tồn môi trường tự nhiên trong đô thị, tham vọng biến Berlin thành một nơi sống lý tưởng không chỉ cho cư dân, du khách, mà còn cả những loài vật tự nhiên.

6- Điểm tham quan gây sụt sùi nhất ở Berlin chính là di tích của bức tường Berlin từng chia cắt nước Đức.
Sau chiến tranh Thế giới II, Đức bị chia cắt thành hai nửa Tây Đức theo phe Anh – Pháp – Mỹ và Đông Đức theo phe Liên Xô (thời kỳ Chiến Tranh Lạnh). Bức tường Berlin được xây vào năm 1961 từ phía Đông Đức để ngăn dòng người di cư từ Đông Đức sang Tây Đức tìm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn và cuộc sống khấm khá hơn.
Chỉ sau một đêm tháng 8, người dân Berlin ngủ dậy đã ngỡ ngàng khi một dãy đá tảng bắt đầu chia cách họ, kéo dài suốt mấy mươi năm.
Lịch sử ghi nhận 136 người đã thiệt mạng khi cố tình vượt qua bức tường trong suốt những năm từ 1961 đến 1989. Lính gác từ phía Đông Đức được chỉ thị phải bắn những kẻ đào tẩu.
Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1989, bức tường Berlin ngay lập tức được phá bỏ phần lớn, chỉ lưu lại một đoạn tường lưu niệm để nhắc cho người dân Berlin và du khách về một thời kỳ lịch sử ly lạc. Trên tường phía Tây có những hình vẽ graffiti mang thông điệp kêu gọi cho hoà bình, kết nối yêu thương. Còn bức tường phía Đông để trống.

7- Tôi đến Dresden vào một ngày giữa mùa đông lạnh căm.
Tối hôm ấy, tôi và cô bạn thân Anlee xăm mình dạo phố cổ, rồi cuối cùng trốn vào một quán nhỏ ăn xúc xích nướng cho ấm người. Sau đó, chúng tôi cầm mỗi người một cốc rượu Glühwein nóng bốc khói để tiếp tục xông ra phố, vừa đi vừa hớp.
Rượu Glühweinlà thức uống truyền thống vào mùa đông ở nhiều nước châu Âu, là rượu đỏ cho thêm hồi, tinh chất cam chanh, vanilla, đường và một số gia vị khác tuỳ khẩu vị người uống.
Khi uống xong cốc rượu thì cũng là lúc Dresden bắt đầu đi ngủ. Châu Âu vốn dĩ đi ngủ sớm, trời mùa đông thì đường phố vắng lặng càng nhanh. Quả là cái thời tiết kích thích sinh ra những phát minh khoa học tầm cỡ, những tác phẩm văn học nghệ thuật lẫy lừng – vì đêm đến không đi chơi thì chỉ còn nước ở nhà mà nghiên cứu, sáng tạo.
8- Thành cổ Dresden rất hoành tráng với nhiều toà kiến trúc bề thế.
Những toà dinh thự, biệt điện nguy nga đứng san sát nhau dọc bờ sông, ban đêm lên đèn thì tạo nên một cảnh tượng lung linh tráng lệ. Những cung điện, bảo tàng rộng ngút ngàn. Những nhà thờ uy nghiêm khổng lồ.
Cảm giác như cư dân của thành phố này quá thưa thớt ít ỏi, tương phản với độ dày đặc và ngoại cỡ của các công trình tồn tại nhiều thế kỷ nay.
Chắc hẳn các vị Hoàng đế hay Bá tước thời xưa nắm quyền Dresden mỗi ngày thức giấc chỉ có duy nhất một việc là suy tư xem nên xây cái gì thật to đẹp mà lưu danh sử sách. Rồi khi công trình để đời đó được hoàn thành thì hẳn cũng là lúc ông ta có người kế vị.

9- Heidelberg là thành cổ xinh đẹp, nhỏ nhắn, với những mái nhà màu đỏ gạch nằm chi chít khắp thung lũng.
Ở đây có lâu đài Heidelberg nằm cao khoảng 89 met, là tàn tích lâu đài nổi tiếng nhất của Đức kết hợp giữa kiến trúc Gothic cho đến kiến trúc Phục Hưng.
Heidelberg cũng là thành cổ duy nhất của nước Đức còn nguyên vẹn sau Thế chiến II, không bị tấn công và tàn phá bởi bom đạn của quân đội Đồng minh, vì đây là trụ sở chính của quân đội Hoa Kỳ tại châu Âu. Khi tôi đến Heidelberg vào năm 2012, nhiều căn cứ quân sự vẫn còn hoạt động, bao gồm lực lượng của Mỹ, Âu châu và NATO.
Điều này lý giải cho việc trên những con đường dẫn vào Heidelberg có khá nhiều… nhà thổ, các hộp đêm khiêu vũ thoát y treo bảng hiệu mời gọi lớn từ ngoài cửa. Hẳn là để phục vụ nhu cầu tâm sinh lý cho các anh lính xa vợ, xa bạn gái.

10- Potsdam yên bình nằm gần Berlin, nổi tiếng có phong cảnh huyền diệu nên từ xa xưa đã là chốn an dưỡng yêu thích của các vua chúa nước Đức và cả nước ngoài.
Một lần tôi đến Potsdam thăm cung điện Sanssouci. Cái tên của cung điện, theo tiếng Pháp có nghĩa là “không muộn phiền”. Nhà vua Frederick the Great đã cho xây dựng cung điện mùa hè này vào thế kỷ XVIII, để ông có chỗ trốn khỏi những âu lo chính sự mà đắm chìm vào các cuộc gặp gỡ với thi nhân, triết gia mà bàn luận về cuộc đời.
Toà cung điện chính phủ một màu vàng rạng rỡ như những dải nắng hè đang nở rộ, bên trong trưng bày vô số tranh tượng chân dung đắt giá từ nhiều vùng đất trên thế giới. Vườn hoa đằng sau cung điện thì xanh ửng trong gió hè, nằm ủ ấm bên những hồ nước lặng yên tĩnh tại…
Ở Potsdam, tự dưng tôi đã nghĩ: “Những con người vĩ đại đến mấy rồi một ngày cũng xuôi theo dòng thời gian mà biến mất. Chỉ có những kiệt tác để lại cho hậu thế là muôn đời được chiêm ngưỡng.”
OOO
Leave a Reply