Chuyện tình trong cung điện Schonbrunn

Hồi nhỏ, tôi rất mê bộ phim “Sissi, Hoàng Hậu Nước Áo”, kể về mối tình thơ mộng của Hoàng đế nước Áo Franz Joseph với nàng công chúa Elisabeth “Sissi” xứ Bavaria.

Hoàng đế Franz Joseph trẻ tuổi, đẹp trai, tài năng và quyền lực, nhưng có phần chỉn chu, cứng nhắc. Ngài phải lòng cô em họ 16 tuổi của mình, nàng công chúa Sissi xinh đẹp, tinh nghịch, thích cưỡi ngựa và yêu muông thú.

Hai người gặp nhau trong một lần Sissi leo tường trốn nhà đi chơi, và trái tim của Franz đã bị bắt cóc bởi cô gái toả sáng ấy. Tréo ngoe thay, lúc ấy Franz được sắp xếp đính hôn với chị gái của Sissi là công chúa Helene. Cuối cùng, chàng Hoàng đế cũng cưới được Sissi, đưa nàng trở thành Hoàng hậu của Đế Quốc Áo – Hungary hùng mạnh vào cuối thế kỷ XIX.

Những thước phim cũ kỹ từ năm 1955 không làm giảm vẻ lộng lẫy, uy nghi của Cung điện Schonbrunn bối cảnh chính của phim. Tôi nuôi mộng một ngày sẽ được tận mắt ngắm nhìn cung điện nguy nga màu vàng trứng ấy, được rảo bước trong công viên xanh mượt, được ngắm những đoá hồng nhung mà Hoàng hậu Sissi yêu thích. 

Trạm ga tàu điện ngay trước cổng cung điện Schonbrunn, vô cùng thuận tiện.

Và sự thật?

Bộ phim màu hồng ấy không hư cấu. Nó thật đã chuyển tải thời ngọt ngào nhất của Hoàng đế Franz Joseph và Hoàng hậu Elisabeth “Sissi”, khi vị Hoàng đế trẻ tuổi chết mê cô em họ mình, đến mức tuyên bố thẳng thừng với mẹ rằng nếu không cưới được Sissi thì sẽ ở giá suốt đời.

Bộ phim ba phần kết thúc ở chặng đời hai người trở thành Vua và Nữ hoàng của Hungary, lập nên Đế Quốc Áo – Hung. Cái kết quá viên mãn!

Nhưng trong lịch sử, đây chính là điểm bắt đầu cho chuỗi bi kịch của Hoàng hậu Sissi. Vốn là một cô gái hướng nội, Hoàng hậu Sissi cảm thấy ngộp thở với đời sống lắm nghi lễ, nhiều tầng lớp chính trị trong Hoàng tộc Habsburg.

Bà sinh ra ba đứa con thì đều bị mẹ chồng bắt về nuôi, do cho rằng tính khí của bà quá nông nổi, không phù hợp để dạy dỗ những đứa trẻ hoàng gia. Khi cô con gái cả qua đời ở tuổi lên 2, Hoàng hậu bắt đầu ít xuất hiện ở Wien, dành phần lớn thời gian du lịch khắp châu Âu, nghiên cứu thơ ca hội hoạ.

Hoàng hậu Sissi cũng bị ám ảnh bởi việc giữ gìn nhan sắc, vì nhan sắc là thứ duy nhất bà có toàn quyền điều khiển trong cuộc đời mình. Những bữa ăn của Hoàng hậu rất khắt khe, những buổi luyện cưỡi ngựa thì chuyên cần.

Đến độ, sau tuổi 32 thì Hoàng hậu không cho phép vẽ hay chụp ảnh mình, để chân dung lưu lại cho hậu thế mãi mãi là một bà hoàng trẻ đẹp.

Dù Hoàng đế Franz Joseph nhất mực cưng chiều và tôn trọng những quyết định của vợ, Hoàng hậu vẫn ngày một xa cách ông. Ngay cả khi đứa con thứ tư của hai người chào đời ở Hungary, Hoàng hậu Sissi vẫn tiếp tục lạnh nhạt với chồng.

Sau khi con trai duy nhất, Thái tử Rudolf, bị sát hại, Hoàng hậu trầm cảm nặng, tiếp tục đi du lịch nhiều hơn. Cuối cùng, bà bị ám sát tại Geneva (Thuỵ Sĩ) năm 1898 ở tuổi 60, kết thúc 44 năm ngồi trên ngai bà hoàng quyền lực nhất nhì châu Âu.

Hoàng đế Franz Joseph không bao giờ bình phục khỏi mất mát này. Sử sách lưu lại rằng, ngài vẫn thường nói với tuỳ tùng: “Các người không bao giờ hiểu được ta yêu cô ấy biết nhường nào”.

Lịch sử tuy màu xám, nhưng nó không làm suy suyển cơn nghiện màu hồng của tôi dành cho chuyện tình của Hoàng đế Franz Joseph và Hoàng hậu Sissi.

Một tình yêu lãng mạn dần bị đâm thủng bởi quyền lực, chính trị và trách nhiệm. Hoàng hậu cả đời tìm kiếm sự tự do trong nỗi cô đơn. Hoàng đế cả đời day dứt vì không thể mang lại hạnh phúc cho người mình yêu.

Và tôi, tôi càng nhất quyết phải đặt chân đến Cung điện Schonbrunn để đuổi bắt ảo ảnh của hai nhân vật lịch sử mà mình ngưỡng mộ.

Hoàng đế Franz Joseph là một hoàng đế tài ba, lên ngôi từ tuổi 18 và dần lèo lái nước Áo thành một trong những Đế Quốc uy lực nhất thế kỷ XIX, bất chấp chuyện chính ngài đã góp tay gây ra Thế chiến I.

Còn những câu chuyện về Hoàng hậu Elisabeth “Sissi” đã gieo trong tôi khao khát trở thành một cô gái dám theo đuổi sự độc lập và thích khám phá những mới lạ.

Toà cung điện Schonnbrunn màu trứng gà đẹp nhất thế giới! (Đối với tôi nhé!)     

Lần nào thăm Cung điện Schonbrunn, tôi cũng lang thang cả buổi khắp các ngõ ngách.

Dưới ánh chói bỏng của một sáng mùa hè, hay ánh hồng nhạt của một chiều mùa thu, thì Cung điện Schonbrunn màu vàng trứng gà vẫn muôn vàn nổi bật.

Toà cung điện khổng lồ này có đến 1441 phòng, một khu vườn rộng lớn là nơi cư ngụ 32 bức tượng thần Hy Lạp to gấp mấy lần kích thước người thật, đài phun nước Neptune, những vườn hoa hồng, một sở thú nhỏ… – Đây là kiệt tác của hơn 300 năm qua các đời chủ nhân thuộc Hoàng tộc Habsburg cai trị nước Áo, một trong những hoàng tộc có thế lực nhất châu Âu thời kỳ cận đại.

Bên trong cung điện, mọi gian phòng lớn nhỏ đều được trang hoàng lộng lẫy bằng những bức hoạ vô giá, những bình hoa khung ảnh dát vàng, những món đồ gỗ tinh xảo, và những báu vật được tiến cống từ nhiều quốc gia.

Cung điện lúc nào cũng nườm nượp khách tham quan, phòng đông nhất luôn là phòng làm việc của Hoàng đế Franz Joseph và phòng nghỉ của Hoàng hậu Sissi. Luôn có nhiều người đến độ dù đã ghé vài lần, nhẫn nại vài lần, nhưng tôi chưa bao giờ tìm được chút thư thả riêng tư nào mà mơ mộng hồi tưởng về mối tình đẹp mình luôn ngưỡng mộ.

Tôi yêu thích việc tha thẩn trong công viên lớn để ngắm các tượng thần Hy Lạp ở Schonbrunn. Tôi chiêm ngưỡng những nét điêu khắc tinh xảo như thật, dáng hình các ngón tay, cái nhíu mày và mím môi, thần thái hiền dữ của từng tượng, rồi miên man nhớ về số phận của từng nhân vật mà tôi đã đọc mòn trong sách.

Sau đó, tôi sẽ dạo sang những con đường nhỏ xếp bàn cờ ở phía sau các bức tượng, nhẩn nha đếm bước chân mình dưới bóng râm của đôi hàng cây rủ. Rồi tôi men theo lối đường mòn dẫn lên đỉnh đồi, ngang qua một hồ nước ở lưng chừng đồi. Lối đi tắt này toàn đất và cỏ làm bẩn giày, nhưng thi thoảng được gặp sóc.

Trên đỉnh đồi đài Gloriette đã được sửa sang lại thành quán cà phê, từ đây có thể bao quát hết toàn bộ cung điện và khu vườn, thấy xa xa cả một góc thành Wien rộng lớn. Ngồi nhâm nhi cà phê trong đài Gloriette và ngắm Schonbrunn, tôi thấy thấp thoáng đâu đó bóng hình của Hoàng hậu Sissi thời mới cưới đang vui vầy bên những bụi hồng nhung.

Tôi mường tượng mình đang nhìn vạn vật qua ánh mắt của Hoàng đế Franz Joseph, một chàng trai trẻ tuổi thừa hưởng nước Áo gặp nhiều vấn đề. Ánh mắt chàng tràn đầy quyết tâm biến thành Wien mình yêu thương trở thành vĩ đại, đem lại cuộc sống sung túc và bình an cho nhân dân. Ánh mắt ấy sậm màu theo năm tháng, ngắm nhìn thành Wien ngày một huy hoàng. Ánh mắt ấy bắt đầu len lỏi nỗi cô đơn và bất lực của một người đàn ông có cả giang sơn nhưng không thể giữ nổi trái tim người thương…

Cung điện ở châu Âu tôi ghé thăm cũng nhiều và vẫn còn rất nhiều chưa đến, nhưng đôi bàn chân của tôi luôn hào hứng quay trở về Schonbrunn dù đã mòn gót ở đấy. Vì những câu chuyện kể mê ly và man mác. Vì trái tim tôi cảm nhận một mối kết nối rất sâu với chốn này, thật khó rành mạch được là tại sao.

OOO      

One response to “Chuyện tình trong cung điện Schonbrunn”

  1. Cool photos Lana, wish I could understand what is written eheh cheers from Lisbon 🙂 PedroL

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: