1- Bangkok từ trên không
Hệ thống skytrain của Bangkok được khánh thành vào ngày 5/12/1999, mừng sinh thần của Đức Vua Bhumibol Adulyadej.
Trải qua bao nhiêu năm, những chuyến tàu đã cần mẫn nối những cực sáng tối của Bangkok lại với nhau, nối phố thị phồn hoa đến những xóm lao động xập xệ, góp phần giải toả áp lực nhà đất ở khu trung tâm. Những chuyến tàu xuôi ngược trên không trung đó đã chứng kiến sự đổi thay của thành phố và của những con người hàng ngày nó chở trong mình.
Tôi luôn tìm thấy niềm vui khi đứng trong tàu điện nhìn ra ngoài cửa sổ. Những mảng Bangkok tuần tự mở ra đa sắc đa hương:
Bình minh vắng lặng tinh tươm và hoàng hôn óng ả vội vã, nắng gắt đấy rồi mưa lụt đường ngay, căn biệt thự cổ vườn xanh ngắt nằm trong bóng râm của khách sạn năm sao cao ngất bên cạnh.
Vào giờ tan tầm, những con đường Bangkok kẹt xe khủng khiếp, biến thành dòng sông xe hơi muôn màu sặc sỡ.

Và Bangkok đẹp mất hồn trong những khoảng giao mùa ngắn ngủi, có thể bắt gặp hàng cây rụng lá trải một thảm vàng trên phố như cảnh thu trời Âu, hay những tháng đầu năm phố phường hồng xinh đến lạ lúc hoa Chompoo Panthip nở rộ.
Từ skytrain, ngắm những con phố hồng phấn này bên dưới, tôi từng có suy nghĩ muốn nhảy ùm đáp xuống một cây hoa hồng xù nào đó, chắc sẽ êm ái lắm! (Chompoo Panthip là loài hoa có hình dáng giống như hoa bằng lăng, cánh mỏng manh như cánh bướm, màu hồng phấn, khi hoa nở thì lá sẽ rụng hết khiến cả cây hồng xù như một cái kẹo bông gòn khổng lồ; vì thế mà người Thái gọi hoa này là “hoa anh đào của Thái Lan”.)

2- Nghe dòng Chao Phraya kể chuyện
Dòng sông Chao Phraya hùng vĩ chính là huyết mạch nuôi dưỡng Bangkok nhiều đời nay.
Thưở ban đầu, những tộc người đầu tiên đến cư ngụ ở vùng đất này đều định cư quanh dòng Chao Phraya, phát triển thành các làng xã và thành thị nhỏ.
Đến năm 1782, Vua Rama I dời kinh đô về vùng đất là Bangkok ngày nay. Trải qua tháng năm, dòng Chao Phraya đã chứng kiến qua bao biến chuyển thời cuộc, giấu vào lòng mình bao ký ức.
Những khu đất ven sông từ hoang vu thành phố huyện, những mái nhà mọc lên rồi bị san bằng và thay thế. Người châu Âu đến rồi đi, người Nhật đến rồi đi. Khói lửa chiến tranh tan biến, những căn nhà đổi chủ, những cây cầu sừng sững vài mươi năm rồi gục ngã…
Ngày nay, phong cảnh ven sông rất thú vị: Những mái chùa cổ, những nhà thờ và dinh thự do người Anh, người Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha xây dựng từ một vài thế kỷ trước, những cao ốc và khách sạn hiện đại, cầu đu quay khổng lồ nằm trong tổ hợp mua sắm Asiatique. Đôi lúc, còn thấy con nít dân dã ở truồng nhảy ùm xuống sông, nghịch ngợm hồn nhiên.

Ngày nay, mỗi ngày vẫn có khoảng 50 ngàn người dân Bangkok di chuyển bằng những chuyến thuyền xuôi ngược Chao Phraya để đi làm, đi học, tránh cảnh kẹt xe hay chen chúc trên tàu điện. Từ sông Chao Phraya, thuyền có thể theo hệ thống kênh rạch chạy vào tận sâu các quận trung tâm thành phố.
Chính hệ thống kênh rạch này đã khiến những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Bangkok ví von nơi này với thành Venice của Ý hay Rotterdam của Hà Lan.
“Ngày 31/05/1880, chiếc thuyền chở Hoàng hậu Sunandha Kumariratana của Vua Chulalongkong đang xuôi dòng Chao Phraya để đến cung điện Bang Pa-in thì bị chìm. Hoàng hậu đã chết đuối khi trên tay đang ôm công chúa nhỏ và cũng đang mang thai. Năm đó, Hoàng hậu chưa tròn 20 tuổi. Đoàn tuỳ tùng đành phải nhìn Hoàng hậu chìm dần xuống dòng nước, vì Luật Hoàng gia sẽ xử trọng tội những kẻ dám chạm vào thân thể của Hoàng hậu, nên không thể cứu bà. (Nếu cứu sống Hoàng hậu thì người ấy sau đó sẽ bị xử tội chết!)”
Con thuyền chở Hoàng hậu Sunandha Kumariratana chỉ là một trong vô số thuyền bè lớn nhỏ đã chìm sâu xuống đáy Chao Phraya.
Bây giờ, việc đánh bắt tôm cá trên sông gần như không còn, do thuyền bè chạy quá nhiều gây ô nhiễm dầu. Nhưng Chao Phraya vẫn nuôi sống nhiều gia đình ngụ ở ven sông bằng một nghề khác: lặn tìm cổ vật trong xác tàu.
Ngày qua tháng, những người đàn ông cha truyền con nối này lặn sâu xuống các khoảnh sông, tìm kiếm những món bảo vật xấu số. Và trong một ngày may mắn, họ sẽ tìm được một xác tàu có đồ cổ, rồi đem bán lấy tiền nuôi gia đình.

3- Lang thang sang Bangkok Chinatown
Ở Bangkok, vào một ngày cuối tuần nắng đẹp, tôi hay ngẫu hứng ra bến thuyền rồi xuôi dòng Chao Phraya.
Sau một chút lênh đênh, tôi xuống ở bến Maharaj, lần theo bản đồ đến những điểm du lịch nổi tiếng quanh sông như Wat Pho, Hoàng cung, Quảng trường Sanam Luang, cung điện Samakhom.
Có lúc tôi còn tản bộ đến chợ Pak Klong là tụ hoa tươi buổi sớm của Bangkok, cả con đường ngợp trong thơm tho và tươi sắc. Một bó 30 bông hồng siêu đẹp giá chỉ 100 bath (khoảng 65 ngàn VN).
Khi ánh chiều tà dần buông, tôi trở lại bến thuyền để chiêm ngưỡng khung cảnh huyền diệu nhất Bangkok: hoàng hôn trên dòng Chao Phraya. Khó hình ảnh nào có thể sánh được vẻ diễm lệ với cảnh Mặt trời tròn bỏng như một quả trứng muối dần khuất bóng sau Chùa Arun biểu tượng của Bangkok. Cả một vùng nước, cả một vùng trời được tô màu cam rực, tôn lên hình dáng thanh thoát của tháp chùa đã tồn tại hai thế kỷ bầu bạn cùng dòng Chao Phraya.

Khu phố Tàu (China Town/ Yaowarat) cũng khá gần sông Chao Phraya.
Khung cảnh phố Tàu ở Bangkok khá hoài cổ, luôn gợi cho tôi về bối cảnh của các bộ phim Hongkong thời 1960, 1970 với những tòa nhà đen đúa cũ kỹ trông như ma ám, chen chúc những bảng hiệu quảng cáo với màu đỏ chủ đạo.
Dọc con phố chính Yaowarat là san sát những hàng ăn trong nhà lẫn lề đường. Ẩm thực khu này chủ yếu mang phong vị Trung Hoa lai Thái Lan: dimsum, hải sản, đồ nướng, chè ngọt… Những buổi tối cuối năm mát trời, cả khu còn thơm lừng mùi hạt dẻ rang. Hẳn con phố này “có thù” đối với cân nặng của loài người!

OOO
Leave a Reply