Những Điều Trái Nghịch Tại Yangon

Tôi đến Yangon lần đầu vào tháng 4 năm 2013. Ye, cậu bạn thân từ thời đại học đến sân bay đón tôi. Khi xe vào thành phố, tôi hơi choáng: trên đường chỉ toàn xe hơi, cấm xe máy. Việc sở hữu xe riêng ở Yangon không lạ, tuy giá đắt gấp mấy lần so với các nước trong khu vực. 

Còn những người dân ít tiền hơn thì đi lại bằng xe buýt công cộng hay taxi. Những chiếc xe buýt y như mấy “quái vật đường phố”: chúng ọp ẹp, luôn chở quá tải đến mức người ta đứng cả trên bậc thang ra vào, có cái muốn long bánh long khung mà vẫn cứ bon bon trên đường. 

Đường phố mù mịt, bẩn bụi, nhưng giao thông yên ắng và ngăn nắp, không có tiếng còi xe loạn xạ. 

Chào mừng đến với Yangon, thành phố của những điều trái nghịch!

Đi dạo trung tâm Yangon rất dễ bắt gặp những toà nhà cổ điển duyên dáng thế này!

Khu vườn một thời của phương Đông.

Lịch sử của Yangon bắt đầu từ thế kỷ 11, khi người Mon lập nên thành phố Dagon từ một làng chài nhỏ nằm quanh quần thể chùa vàng Shwedagon. Trải qua nhiều biến cố và chiến tranh, Dagon được mở rộng, đổi tên thành Yangon. 

Thành phố từng rơi vào tay người Anh rồi được trả lại cho người Miến, rồi bị huỷ hoại nặng vì hoả hoạn vào năm 1841. Đến năm 1852, người Anh chiếm lại Yangon và những vùng đất khác của Miến Điện, chính thức biến nước này thành thuộc địa. Từ đó, Yangon được quy hoạch và xây dựng quy củ, đậm phong cách kiến trúc Anh: phố phường theo lối bàn cờ, đường sá rộng lớn và ngăn nắp, những công viên mênh mông. 

Vào đầu thế kỷ 20, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng của Yangon có thể sánh ngang với London. Đến năm 1948, Miến Điện giành lại độc lập từ tay Đế quốc Anh, rồi trải qua nhiều chính biến dẫn đến việc đóng cửa với thế giới bên ngoài rất lâu. Trong những năm tháng tự khoá chặt mình lại, nền kinh tế Miến Điện bị đình trệ, khiến đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Một toà dinh thự cổ.

Cơ sở hạ tầng của Yangon ngày nay đa phần vẫn là những thứ do người Anh xây. To lớn nhưng xơ xác. Dân Yangon vẫn sống và làm việc trong những tòa nhà trăm tuổi, hoặc mới hơn thì chắc cũng hai ba chục năm. 

Thời tiết nắng gắt và mưa rào của Yangon rất “phá nhà”, mà người ta cũng không mấy chăm chút tu sửa nên càng khiến chúng xập xệ. Những bức tường cáu bẩn. Các khung cửa lem nhem, cái mới chắp vá cái cũ. Quần áo phơi bừa bộn ngoài cửa sổ, dây điện lụp xụp khắp phố. Lề đường thì nhiều rác rến, lại loang lổ màu đỏ của những bãi nhổ trầu bừa bãi. 

Ở khu trung tâm vẫn giữ nguyên trạng nhiều toà kiến trúc từ thời Anh: nhà to, trần cao, cửa sổ lớn. Trong quá khứ, chúng hẳn rất diễm lệ, còn ngày nay thì hoàn hảo cho bối cảnh của… một bộ phim kinh dị! Nhà cao nhưng tối hù do thiếu điện, bụi bám dày thành lớp, cửa sổ mất kính, cầu thang sụt ván, nhiều chỗ gạch rơi ra lộ cả lớp vôi và cọc sắt bên trong. Có nhiều toà bị bỏ hoang tiêu điều, quấn dây thép gai ở tường rào bên ngoài để ngăn người lạ vào, vì chúng chỉ còn mỗi cái xác cũ nát chứ có khi chỉ một cú chạm nhẹ là đổ sập ngay. 

Quảng trường trung tâm Yangon.

Tương phản với nhà cửa cũ kỹ lờ đờ là hình ảnh cây cối xanh mướt nhiều sức sống và những hồ nước xanh mát khắp thành phố. Những năm đầu thế kỷ XX, Yangon từng là “Khu vườn của phương Đông” vì những khoảnh vườn xanh mượt nằm yên ả bên hồ Inya và hồ Kandwagyi to lớn. 

Bây giờ, hai bên đường phố ở Yangon vẫn ngợp bóng cây cao. Cây cối có vẻ rất được “tôn trọng”, nhiều nhà còn cho xây lẹm tường vào để chừa chỗ cho cây mọc, chứ không chặt bỏ nó đi. Chim bồ câu cũng khá được cưng, thường sà từng cụm xuống lề đường hay góc công viên để ăn thóc gạo do người dân rải. 

Sân chùa Shwedagon trong một buổi hoàng hôn.

Chùa Shwedagon thắp sáng muôn phương.

Cuộc sống vật chất eo hẹp, nhưng đời sống tín ngưỡng tinh thần của Yangon rất phong phú. Theo dòng thăng trầm của lịch sử, những tộc người Hoa, người Ấn đã đến đây định cư, biến Yangon thành vùng đất đa tôn giáo. Ngay giữa quảng trường trung tâm, đối diện Ủy ban Thành phố là Chùa Sule, ở hai bên chùa là một nhà thờ và một đền thờ đạo Hồi. Thật cởi mở, hiền hòa và thú vị. 

Chùa chiền là nơi sinh hoạt tín ngưỡng phổ biến nhất, do Phật Giáo là quốc giáo. Vào buổi tối, khi Ye lái xe đưa đi vãn phố, tôi luôn dõi mắt tìm kiếm tháp Chùa Shwedagon huy hoàng. Được dát vàng ròng, nên toà tháp chính khổng lồ của Shwedagon ban ngày thì rực rỡ còn ban đêm phủ sáng cả một phương. Cảnh tượng thần thánh oai nghiêm. Khắp thành phố còn có nhiều tháp chùa nhỏ hơn, cũng dát vàng, như ngọn đuốc toả sáng cho các khu dân cư cũ kỹ và xám xịt.

Nhũng tượng Phật bên trong một ngôi chùa.

Vào bình minh và hoàng hôn, người dân Yangon có thói quen tụ tập ở sân chùa Shwedagon để trầm mình vào bầu khí thanh tịnh linh thiêng. Theo truyền thuyết, chùa Shwedagon đã tồn tại hơn 2500 năm, qua nhiều triều đại hoàng gia, nhiều chùa nhỏ được xây thêm quanh khu vực của chùa chính, tạo thành quần thể chùa Shwedagon đồ sộ ngày nay.

Chùa Shwedagon có bốn cổng, mỗi cổng có một cầu thang lớn dẫn lên chùa nằm trên gò đất cao. Tháp chùa chính dát vàng, trên đỉnh tháp treo chiếc lọng vàng đính những chuông gió cũng bằng vàng cùng vô số kim cương, đá quý dâng Phật. Đi chân đất trong sân chùa còn vương hơi nóng của nắng hè rất thú vị. Có lúc tôiphải lon ton nhảy lò cò vì nhiều ô gạch vẫn còn hấp nhiệt quá bỏng. Rồi khi chiều muộn dần, tôi ngồi trên một thềm chùa lắng nghe chuông vàng theo gió khua thanh, và sân chùa chuyển mình lộng lẫy khi người ta đi thắp nến sáng bừng vào lúc 6 giờ chiều.

Náo nhiệt ngày hội Thingyan.

Lễ hội Thingyan: Ngày hội rửa xe toàn Yangon.

Tết cổ truyền của Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia diễn ra vào tháng 4 dương lịch hàng năm. Người Thái gọi là Songkran, người Miến gọi là Thingyan. Vào dịp này, người ta tạt nước để chúc nhau bình an và may mắn. Theo phong tục thì sẽ dùng một cành lá nhỏ nhúng nhẹ vào thau nước rồi vẩy vẩy vào đối phương. Các chàng trai muốn tỏ tình thì rẩy nước vào cô gái, cùng lúc nói lời yêu. 

Truyền thống dễ thương là thế, nhưng người hiện đại đã biến tướng nó khác nhiều. Khi sống ở Bangkok, mỗi năm nhìn dân tình lẫn du khách tụ tập nhung nhúc cả khu Silom để bắn súng nước, tôi đã hơi hãi. Nhưng khi đến Yangon chơi Thingyan, tôi mới biết thế nào là một lễ hội nước đỉnh cao cuồng loạn.

Lúc khai hội thì vẫn còn khô ráo và đẹp đẽ…

Tại Yangon, để mừng Tết Thingyan, người dân dùng súng nước, vòi nước, xô nước, nước đá, và cả vòi rồng cứu hoả để xả nước vào nhau. Khắp thành phố dựng nên mấy chục sân khấu nước (water stage), mỗi cái đều trông như một góc khán đài của sân vận động. Vào ngày hội, người ta đứng trên sân khấu mà cầm vòi phun nước vào xe cộ qua lại. 

Nam thanh nữ tú Yangon rất máu lửa. Họ quây quần trên thùng các xe tải, rồi cho xe chạy đến đỗ trước các sân khấu để được tạt nước. Họ nhảy múa trên nền nhạc ầm ĩ vặn hết công suất. Đằng sau mỗi sân khấu nước còn có sàn nhảy với hàng chục thanh niên ăn mặc đẹp đẽ quay cuồng, uống rượu trong làn nước xối xả từ dãy vòi sen gắn trên trần. Có một vài sân khấu loại sang còn mời hẳn ca sĩ ngôi sao và nhóm nhảy đến “quẩy” hết mình giúp vui nữa.

Tôi cũng hăm hở tham gia chơi ở một sân khấu nước, nhưng chỉ sau 15 phút là lạnh cóng mà bỏ chạy. Cái nắng tháng 4 thiêu đốt đến nỗi tôi đứng giải lao ngoài trời một chút thôi là tóc đã có dấu hiệu khô. Cứ khô – ướt, nóng – lạnh thế này thì mau cảm ốm. Vậy mà, người Yangon chơi nước liền tù tì suốt năm ngày không biết chán. Còn tôi, tôi hạnh phúc với niềm vui nho nhỏ và ít sốc nhiệt hơn: ngồi trong ô tô băng qua các sân khấu nước, cũng thấy ú tim khi người ta dùng vòi rồng xả vào cửa kính xe. 

Một góc phố tại Yangon, bên ngoài một ngôi chùa nào đó.

Hơi thở bình dân.

Đồ ăn thường nhật của Miến Điện không hợp khẩu vị tôi lắm. Có nhiều món kho mặn hoặc làm kiểu mắm, rau xanh chỉ luộc, hẳn do đời sống thiếu thốn lâu nên con người không mấy cầu kỳ chuyện ăn uống. 

Tôi ấn tượng nhất là một lần ăn sáng với món bún cá có nước súp tanh tanh, sợi bún trương trương, giữa tô là một quả trứng luộc to bự. Tôi khó khăn lắm mới ăn hết một nửa cho phải phép. Rồi sau đó, cứ đến bữa, tôi thường chọn ăn mì Shan kiểu hơi giống mì Trung Quốc cho dễ nuốt.

Nhưng tôi thích nước mía, món giải khát quốc dân. Hầu như lề đường nào cũng có hàng nước mía để giải khát cho cái nóng hầm đặc trưng xứ này. Một ly nước mía giữa tháng 4 khô bỏng thì y như gặp ốc đảo giữa hoang mạc. Suốt cả hành trình Yangon, tôi không nhớ mình đã uống bao nhiêu ly nước mía. Tôi ngồi uống nước mía trong bóng râm của chiếc ô giữa con đường bụi nắng, ngắm dân bản xứ hiền hòa và tự nhiên. 

Mua dưa hấu tại Phố Người Hoa.

Đàn ông đàn bà ở Yangon nhiều người mặc sarong cho mát mẻ. Những cô gái với đôi gò má thoa phấn Thanaka thành hai đốm tròn màu trắng trông vừa buồn cười vừa đáng yêu. (Phấn Thanaka là loại phấn dưỡng da và chống nắng truyền thống của Miến Điện, được làm từ vỏ cây Thanaka.) Những học sinh túm tụm ở một sạp bán sách ngay ngã tư, lựa chọn những cuốn sách đã ố vàng – món giải trí phổ biến của thời còn thiếu thốn vật chất tinh thần. Những con người cần mẫn lao động trên phố, trong chợ, trong các công trường xây dựng – họ như đang cố gắng hết tốc lực để bù đắp những phần thời gian đã mất mà phát triển thành phố, mà được ấm no hơn.  

Buổi tối, muốn tìm nhộn nhịp thì nên ra chợ đêm Phố Người Hoa (China Town). Ở đây có các món ăn vặt của Miến Điện như bánh nướng, bánh dừa trứng cút, mì Shan, các loại trái cây nhiệt đới… Có lần ngồi uống nước dừa ở Phố Người Hoa, tôi quan sát một đôi vợ chồng mở sạp đấm bóp trong góc chợ. Sạp đang không có khách, nên người vợ ngồi nhổ tóc sâu cho chồng. Bỗng có tiếng nhạc từ một hàng quần áo trỗi lên, cả hai liền đứng dậy và cao hứng múa điệu truyền thống. Hạnh phúc chỉ đơn giản vậy thôi. Hài lòng với điều mình đang có và vui vầy cùng người ở bên mình. 

Một sạp báo kiêm hàng tạp hoá bình dân trên phố trung tâm Yangon.

Rồng chuyển mình.

Vào tháng 1 năm 2014, tôi trở lại Yangon. Thời tiết mùa xuân dễ chịu hơn hẳn, không khí mát mẻ và bầu trời xanh rất đẹp. Giao thông chậm chạp hơn do mật độ xe hơi gia tăng. Ye bảo tôi đó là vì chính phủ đã có những chính sách nới lỏng về giá và sở hữu xe hơi, nên bây giờ ai cũng muốn tậu một chiếc cho thoả mong ước suốt bao năm trời. Một chiếc xe hơi để chủ động đi đến bất cứ ngõ ngách nào của thành phố, để tránh nắng trú mưa, để khoe sang. 

Vật giá cũng đắt đỏ hơn. Giá vé vào thăm Chùa Shwedagon đã tăng từ 5 đô-la lên 8 đô-la chỉ trong vòng tám tháng. Nhiều nhà hàng tươm tất đã mọc lên, giới thiệu bíp-tết, sushi, lẩu Thái… đến với tầng lớp trung lưu. Các thương hiệu thức ăn nhanh Pizza Huts, Swensen… của “thế giới tư bản” đã có mặt, đang chuẩn bị khai trương cửa hàng. Một toà trung tâm thương mại kiêm khách sạn đang được xây trên khu đất vàng của thành phố, mà chủ thầu là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Việt Nam). Sự thay đổi ngoạn mục và chóng mặt.

Một cửa hiệu thủ công mỹ nghệ hi-end dành cho du khách tại Yangon.

Cuối năm 2015, đầu năm 2016, tôi lại đến Yangon đón năm mới. Đã lâu không gặp, sém chút thì tôi hết nhận ra chốn quen! 

Đường sá khu trung tâm Yangon vốn thênh thang, có những đường sáu chiếc xe chạy cùng lúc vẫn rộng rãi. Vậy mà, hỡi ôi, bây giờ xe hơi nhích từng bước thầm. Bãi đỗ xe mọc lên ở TẤT CẢ các con đường, người ta trưng dụng hai bên đường để đỗ một hoặc hai hàng xe, khiến diện tích di chuyển thu hẹp chỉ còn một nửa mà lượng xe thì ngày càng tăng. 

Những tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Nestle đều tăng đầu tư vào thị trường Miến Điện, mở văn phòng đại diện. Quảng cáo của loại dầu gội hay cà phê hoà tan mới ở khắp nơi trong thành phố, từ biển hiệu ngay giao lộ đến trên thân xe buýt. Sự đầu tư này tạo thêm công ăn việc làm chất lượng cao, nhất là cho giới trẻ. Sau giờ tan sở, bây giờ Yangon đã có một bộ phận nhân viên văn phòng sành điệu, ăn mặc kiểu Tây tụ tập ăn uống ở những quán lề đường, khí thế bấm chiếc điện thoại thông minh mà hai ba năm trước vẫn là xa xỉ phẩm.

Nắng chiều Yangon vàng rơm rực rỡ…

Người dân Yangon cũng có nhiều chỗ chơi hơn hẳn. Trung tâm thương mại Myanmar Plaza do Hoàng Anh Gia Lai xây dựng đã xong, trở thành nơi tụ tập của giới trẻ và các gia đình “đi picnic” vào cuối tuần tránh cái nóng nực. Sky bar đầu tiên được mở trên sân thượng của cao ốc Sakura Tower. Các loại cocktail cũng chỉ bình thường, nhưng view đẹp miễn bàn. Đây có lẽ là sky bar duy nhất trên thế giới nhìn thẳng ra một ngôi chùa – Chùa Shwedagon toả ánh sáng cao sang của vàng ròng. 

Cuối năm 2019, tôi lại ghé thăm Yangon, lần này thì nhiều góc Yangon đã được xây dựng hiện đại, trông giống một phần Singapore lắm. Người dân cũng dùng smart phone gọi Grab, gọi thức ăn, mua sắm… rất sành điệu. Sân bay được xây mới cũng theo hình mẫu của sân bay Changi. Cuộc sống nhộn nhịp hơn, giàu có hơn, nhưng vẫn rất đặc biệt. Miến Điện và Yangon có một khí chất rất kỳ lạ mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được.

Luôn có một điều gì đó khiến tôi lưu luyến Yangon. Khiến tôi muốn trở lại.

OOO

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: