Hong Kong Cũ Cũ Mới Mới

Mỗi bước chân trên đất cảng Hong Kong luôn đem đến cái cảm giác cũ cũ mới mới. Hong Kong một nửa thì cố chấp không chịu thay đổi, một nửa thì biến chuyển nhanh ngất ngây.

Phòng nghỉ “ổ chuột” trên phố Nathan – như trong phim TVB

Do giá khách sạn ở Hong Kong khá cao, nên người ta đã nghĩ ra hình thức sửa sang chung cư cũ thành hostel. Thường đây là các chung cư ở ngay khu trung tâm như Tsim Sha Shui, Wan Chai, Mong Kok…, nên việc đi lại rất thuận tiện. 

Một lần, tôi và cô bạn đã ở tại USA Hostel trong chung cư Mirador Mansion trên đường Nathan khu Tsim Sha Tsui. Một nơi ở đem lại cảm giác bản địa. Trong vài ngày, chúng tôi sống giông giống người Hong Kong thuần thục, trải nghiệm điều kiện sống chật chội đặc trưng của một trong những thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới.

Món ngon Hong Kong!!

Chung cư Mirador Mansion có diện tích ngang ngửa các toà cao ốc văn phòng ở khu tài chính, 8 khu nhà từ A đến Hvà 4 cổng vào. Tầng trệt có các hiệu buôn bán nhỏ như máy ảnh, quần áo, bánh tươi, dịch vụ giặt là, cửa hàng tiện dụng… Giữa chung cư có khoảng sân lộ thiên, từ đó nhìn lên sẽ thấy một góc dân cư Hong Kong nhem nhuốc nhưng nhiều màu sắc với dây phơi quần áo chằng chịt, những cục nóng máy lạnh kêu rò rò, những chậu cây nhỏ, những rèm cửa hoa hoè… 

Trong chung cư này, gần như tầng nào cũng có ít nhất một cái hostel nằm lẫn giữa nhà dân, văn phòng công ty, hiệu may, xưởng gỗ, hiệu in ấn… Đi lại trong chung cư không chỉ có người Hoa, mà còn người Ấn, Trung Đông, và cả du khách Âu Mỹ. Có khi một người chỉ cần sống quanh quẩn trong chung cư này thôi thì cũng đủ hết các nhu cầu cho sinh hoạt rồi.   

Cầu thang nổi tiếng trong các phim Hong Kong!

Phòng tôi thuê là phòng hai giường đơn, nhà tắm riêng, cửa sổ lớn view nhìn thẳng xuống đường Nathan phồn hoa. Phòng nhỏ xíu đủ kê hai giường đơn, một bàn ngủ và một chỗ để valy. Nếu một người đứng ở lối đi giữa hai cái giường thì người kia sẽ phải ngồi trên giường thì mới có chỗ. Nhà tắm không ẩm mốc, không hôi thối, nhưng cũ kỹ và sờ sợ, khi tắm xong thì cả bồn cầu lẫn bồn rửa mặt đều ướt nhẹp. Cái máy lạnh thì cổ lỗ, buổi tối nếu bật thì sẽ ồn như sấm, không ngủ được; nhưng nếu tắt thì sẽ nóng quá mà không ngủ được. 

Đêm đang ngủ thì khoảng ba bốn giờ sáng chúng tôi lại bị đánh thức bởi tiếng người say rượu đập phá chai lọ và hát hò trên phố. Lát sau thì có tiếng cảnh sát đến dẹp loạn. Ba đêm đó ở Hong Kong, quả thật khá mệt nhưng cảm giác cũng thú vị táo bạo. Lần đầu tiên tôi được sống trong khung cảnh y như cảnh phim xã hội đen TVB mình từng xem hồi nhỏ.

 

Các toà tháp chen chúc nhau, nhìn thật là hùng vĩ!

Mặt trái của sự phồn hoa.

Hong Kong cảnh đẹp vô số, nhưng tôi đặc biệt thích khung cảnh rừng cao ốc ở hai bên bờ vịnh Victoria. Trong chuyến thăm nào tôi cũng dành một buổi sớm để tản bộ trên Đại lộ Ngôi Sao, vừa đi vừa ngắm cao ốc chi chít ở phía bờ bên kia. 

Cảnh một rừng cao ốc rất thần diệu, chúng kể câu chuyện về “phép màu” biến không thành có của loài người: Từ một bãi đất trống con người đã đào sâu xuống để làm móng, đóng từng cọc sắt, lát từng viên gạch xây nên những tầng cao rất cao. Khoảng không ấy trước kia chỉ có khí trời, thì nay là chỗ của sàn nhà, của phòng ốc cho người ta làm việc và sinh sống, trở thành khung cảnh cho biết bao câu chuyện xảy ra. 

Với dấu tay của Trương Bá Chi.

Buổi tối ở Hong Kong luôn rất náo nhiệt. Đại lộ Ngôi Sao kín người đến xem thuyền rồng, nhạc nước, ngắm các toà tháp nhấp nháy đèn, hay nhún nhảy theo những giai điệu của Elvis Presley phát ra từ máy đĩa của một cụ già ngồi ở góc cuối lối đi. Vỉa hè ở khu mua sắm Mong Kok thì người chen người, cửa hiệu hay hàng quán nào cũng tấp nập. 

Phần lớn dân Hong Kong trên phố đều mang giày thể thao và có dáng người khá vừa vặn, hẳn đây là nguyên nhân và hệ quả của việc đi bộ nhiều. Bên trong vài phòng gym luôn có người hùng hục trên máy chạy bộ, dù có khi đã gần nửa đêm. Ở một góc khác của Hong Kong, phố tiệc tùng Lan Quế Phường say trong men rượu, khách khứa đủ mọi quốc tịch cười nói vui vầy, khiêu vũ cả ở trên phố. 

Bác bán thú nặn bằng đất sét ngồi bên ngoài một trung tâm thương mại.

Khi màn đêm buông dần, người ta tìm đến các quán ăn khuya rồi về nhà. Nhưng đây cũng là lúc những cửa hàng thức ăn nhanh Mc Donald’s đón các vị khách “lạ”: người vô gia cư đến ngủ nhờ – báo chí gọi họ là “McRefugees”. Việc này phổ biến đã lâu ở Hong Kong, nơi mà ước tính cứ 5 người thì có 1 người nghèo. Giá thuê nhà thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, tình trạng thiếu việc làm tăng dẫn đến việc dân vô gia cư phải tìm đến các nhà hàng mở cửa thâu đêm để ngủ nhờ, nhất là trong các tháng mùa đông. 

Có một buổi sớm tôi tạt vào quán Mc Donald’s trên phố Queens mua chiếc burger lót dạ, cũng đã tận mắt thấy cảnh người ta ngủ trên các băng ghế và dùng nhờ nhà vệ sinh. Không chỉ có những cụ già với tay nải nát bươm, mà còn có cả những thanh niên chỉ chừng hơn 20, 30 tuổi, gương mặt hốc hác vì cả đêm vật vờ. Có thể họ ở quá xa thành phố, công việc xong trễ nên đành đánh một giấc trong Mc Donald’s, còn hơn ngủ gục ở một góc phố nào đó. Có thể họ chẳng còn chỗ nào để đi.

Người người đi xem “Cách mạng Ô dù” năm 2014.

“Cách Mạng Ô Dù” năm 2014.

Sự phân hoá của cải thiếu cân bằng trong xã hội chính là một trong những nguyên nhân khiến hàng ngàn người Hong Kong thuộc mọi giai tầng đã đổ xuống đường biểu tình vào nửa sau năm 2014. 

Cuối tháng 10 năm 2014, tôi đến Hong Kong, kịp chứng kiến một góc nhỏ của cuộc biểu tình “Cách mạng ô dù” (Umbrella Movement). Từ tháng 9, hàng chục ngàn người đã tràn khắp các phố lớn Hong Kong để đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, thể hiện lý tưởng chính trị, bày tỏ bất mãn với sự phân hoá giàu nghèo, cũng như lo lắng cho con đường tương lai của Hong Kong và mỗi cá nhân. 

Lúc cao điểm, có đến 100 ngàn người tham gia phong trào này, xuống đường giương cao biểu ngữ, chiếm cứ một số khu trung tâm như Tsim Sha Tsui, Mong Kok, Causeway Bay… gây tê liệt giao thông và các sinh hoạt khác của thành phố. Người biểu tình mang theo rất nhiều dù để che mưa nắng, viết khẩu hiệu lên nó, và bảo vệ bản thân khỏi đạn hơi cay, bình xịt hơi cay của cảnh sát. 

Lúc bình thường thì Mong Kok trông như thế này!

Khi tôi đến Mong Kok, một trong những trụ điểm của biểu tình, thì… mọi thứ vẫn huyên náo như bình thường! Các cửa hiệu, hàng quán vẫn đông khách. Ở giữa phố, có đám đông vây quanh một người đàn ông đang thuyết trình những quan điểm xã hội bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa. Những người biểu tình đang cố thủ giữa đường thì có người đang ngủ, có người đang ăn những phần cơm hộp, có người chúi mắt vào màn hình điện thoại. 

Chỉ có một đoạn đường Nathan bị quây lại bằng hàng rào kẽm gai và thùng rác lớn để đánh dấu cảnh báo cho du khách. Rất đông khách hiếu kỳ hỉ hả đứng làm dáng cùng những chiếc thùng rác màu cam này, xem như là có kỷ niệm với một sự kiện lịch sử của Hong Kong. 

Bên trong quán trà chiều Lin Heung trên đường Wellington. Vào quán, thực khách sẽ gọi món bằng cách đánh dấu trên tờ thực đơn tiếng Hoa để sẵn trên bàn. Người nước ngoài vào ăn thì hệt đang chơi lô-tô xổ số, đến khi món dọn ra mới biết mình sắp cho gì vào bụng. Chốc chốc, bồi bàn sẽ đẩy một xe đầy các thố dimsum ra, lúc này thì người ở các bàn tha hồ giành giật món.

Mỗi thời thế cần có một chiến lược riêng để sinh tồn.

Ngắm nhìn và tìm hiểu những đổi thay của Hong Kong qua tháng năm, tôi nghiệm ra cho mình bài học về sự linh hoạt biến chuyển.

Hong Kong ban đầu với lợi thế là một thương cảng, nên đã làm giàu nhờ sản xuất nhu yếu phẩm, giấy, quần áo, linh kiện điện tử…, rồi xuất khẩu. Phát triển đến mức độ nhất định, kinh tế Hong Kong gặp thách thức với giá nhân công cao do chất lượng sống tăng, diện tích đất bị giới hạn, sự cạnh tranh về nhân lực giá rẻ từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam. 

Không nao núng, Hong Kong điều chỉnh chiến lược để cạnh tranh. Tài nguyên thiên nhiên, sức vóc con người là hữu hạn, nhưng năng lực trí tuệ thì vô biên. Hong Kong khôn ngoan chọn đầu tư mạnh vào công nghệ để nâng tầm sản phẩm, tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp không khói đem lại nguồn lợi lớn như tài chính, du lịch, sản xuất phần mềm, tổ chức sự kiện. Sự thay đổi này biến Hong Kong thành một thành phố toàn cầu đáng mơ ước. 

Nhiều năm gần đây, Hong Kong còn trở thành điểm đến của sự sáng tạo. Hội chợ Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Art Basel, được xem là “thế vận hội nghệ thuật” quy tụ những phòng triển lãm danh giá nhất hành tinh, mỗi năm chỉ tổ chức ở ba thành phố là Basel (Thuỵ Sĩ), Miami (Mỹ), và Hong Kong. 

OOO

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: